Cơn thiếu máu não thoáng qua: Biểu hiện và cách phòng ngừa

Tai biến mạch máu não thoáng qua (TIA) tuy không gây tổn thương ở thời điểm xảy ra nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ trở thành cơn tai biến thực sự, đe dọa tính mạng của người bệnh và gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh. Cùng tìm hiểu về đặc điểm, nguyên nhân và cách nhận biết của TIA qua bài viết dưới đây.  

1. Tai biến mạch máu não thoáng qua là gì?

Tai biến mạch máu não thoáng qua hay cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) còn gọi là đột quỵ nhẹ. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra khi một động mạch não nào đó bị bít lại hay tắc nghẽn bởi các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông nhưng sau đó lại tự tái thông. 

Tình trạng tắc nghẽn chỉ xảy ra trong một thời gian rất ngắn và chưa gây ra các tổn thương phá hủy não nên ngay sau đó người bệnh có thể trở lại bình thường như hoàn toàn chưa có gì xảy ra. Điều này cũng khiến nhiều người chủ quan cho rằng mình đã ổn nên không thăm khám.

Tuy nhiên TIA có thể tiềm ẩn mối nguy lớn, đó là trở thành cơn đột quỵ thực sự trong tương lai, thậm chí tương lai gần. Trong cơn đột quỵ não cấp có tổn thương phá hủy não vĩnh viễn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. 

Các nghiên cứu và thực tế cho thấy nếu một người trước đó đã xảy ra cơn thiếu máu não thoáng qua thì sẽ có nguy cơ rất cao gặp cơn đột quỵ não cấp. Khả năng cao nhất là sau vài ngày đến vài tuần đầu kể từ khi cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra. Do vậy nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì người bệnh cần được theo dõi sát sao để phòng tránh đột quỵ thực sự. 

Tai biến mạch máu não thoáng qua là gì?

Nhiều trường hợp các động mạch cấp máu cho não có thể bị tắc nghẽn đột ngột, gây các triệu chứng tai biến mạch máu não, tuy nhiên các triệu chứng này diễn ra rất nhanh rồi tự biến mất.

2. Triệu chứng nhận biết thiếu máu não thoáng qua

Các biểu hiện triệu chứng ban đầu của đột quỵ nhẹ và đột quỵ thực sự về cơ bản là giống nhau. Các triệu chứng của cơn TIA có thể bao gồm:

– Liệt, méo mặt

– Yếu, liệt hoặc tê bì tay, cánh tay hay chân, thường xảy ra ở một bên cơ thể

– Dáng đi bất thường, gặp khó khăn khi phối hợp các động tác

– Khó diễn đạt, không nói một cách bình thường, không nhắc lại được những từ ngữ đơn giản, nói ngọng, nói lắp, líu lưỡi một cách bất thường

– Giảm hoặc mất thị lực ở 1 hoặc cả 2 mắt, nhìn không rõ hoặc không thấy gì

– Đau đầu, chóng mặt, thậm chí choáng, ngất

– Nấc cụt 

– Đổ mồ hôi lạnh bất thường

Do vậy, rất khó để phân biệt một người bị đột quỵ nhẹ hay đột quỵ thực sự. 

Tuy nhiên, có thể căn cứ vào thời gian xảy ra các triệu chứng để nhận định. Bởi trong cơn đột quỵ não cấp, các triệu chứng thường kéo dài, còn ở cơn thiếu máu não thoáng qua, các triệu chứng này lại mất đi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên dù các triệu chứng xảy ra ở mức độ nào, người bệnh hoặc người thân cũng không nên chủ quan. Hãy tìm tới bác sĩ sớm nhất có thể để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra do cấp cứu muộn.

Triệu chứng tai biến mạch não thoáng qua

Đột ngột đau đầu, chóng mặt, choáng váng rồi tự hết có thể là biểu hiện của cơn TIA. Bên cạnh đó là các triệu chứng như méo mặt, liệt chân tay, thay đổi giọng nói, dáng đi bất thường,…

3. Nguyên nhân gây ra TIA là gì?

3.1 Cơ chế gây tai biến mạch máu não thoáng qua 

Hầu hết các cơn thiếu máu não thoáng qua có nguyên nhân do thuyên tắc mạch, thường từ động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống. Nguyên nhân gây tắc mạch có thể động mạch cấp máu cho não bị hẹp, tắc từ trước hoặc do sự xuất hiện của cục máu đông. Cục máu đông theo dòng máu di chuyển trong lòng động mạch tới não gây nghẽn và sau đó tự tan rã hoặc di chuyển đi xa.

Trong một số ít các trường hợp, TIA xảy ra do sự giảm tưới máu não, xuất phát từ việc giảm khả năng vận chuyển oxy của máu (trong các trường thiếu máu trầm trọng, ngộ độc carbon monoxide), máu tăng độ nhớt (bệnh đa hồng cầu nặng). 

3.2 Các yếu tố nguy cơ của cơn tai biến mạch máu não thoáng qua

– Các yếu tố có thể thay đổi: Tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, tiểu đường, kháng Insulin, thừa cân, lạm dụng rượu, lười vận động, ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển dạng và năng lượng, căng thẳng, bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim cấp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, rung nhĩ), chất kích thích (cocaine, amphetamines…), viêm mạch…

– Các yếu tố không thể thay đổi: Tiền sử đột quỵ trước đó hoặc gia đình có người đột quỵ, tuổi tác (tuổi cao), giới tính (nam giới)…

4. Thiếu máu não thoáng qua có cần điều trị không? Điều trị như thế nào?

TIA không gây nguy hiểm tức thời nên thường không cần điều trị ngay khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu đã từng xảy ra cơn thiếu máu thoáng qua, người bệnh cần được điều trị để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, từ đó phòng tránh cơn đột quỵ não thực sự. 

Các biện pháp bao gồm: 

– Tuân thủ uống thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ. Các thuốc được kê sau cơn tai biến thoáng qua thường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ não cấp. 

– Chú ý chế độ ăn uống: Ăn nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường,…

– Tăng cường tập luyện các bài tập thể dục, thể thao

– Thư giãn bằng các biện pháp nghe nhạc, đọc sách báo, thiền, ngâm chân,…

Nếu không may cơn đột quỵ thực sự xảy ra, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc tiêu sợi huyết, chống đông hoặc các biện pháp can thiệp phù hợp để tái thông mạch não.

Xử trí thế nào khi gặp cơn thiếu máu não thoáng qua?

Khi gặp cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh nhân cần chủ động theo dõi và thăm khám sớm chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán, tư vấn điều trị các yếu tố nguy cơ, ngăn tai biến thực sự.

Tóm lại, tai biến mạch máu não thoáng qua là cảnh báo quan trọng về những bất thường mà cơ thể đang gặp phải. Để bảo vệ mình và người thân tránh khỏi cơn đột quỵ thực sự, bạn không nên chủ quan trước những dấu hiệu của cơn thiếu máu thoáng qua. Hãy thăm khám sớm chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

 
Cập nhật lúc: 12:29 Chiều , 17/03/2023

Tin liên quan

tai biến tĩnh mạch

Tiêm tĩnh mạch là gì? Cách xử lý khi bị tai biến tiêm tĩnh mạch

Tiêm tĩnh mạch một thủ thuật y khoa được sử dụng rộng rãi hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều rủi ro tai biến khi tiêm tĩnh mạch...

Huyệt châm cứu tai biến mạch máu não | Vinmec

Giải đáp: Có nên châm cứu tai biến hay không?

Phục hồi chức năng là một phần quan trọng việc hồi phục sau tai biến mạch máu não. Trong số rất nhiều phương pháp trị liệu, châm cứu ngày càng...

Cách tập phục hồi cho người tai biến

Tìm hiểu cách tập phục hồi chức năng cho người tai biến TỐT NHẤT hiện nay

Tìm hiểu cách tập phục hồi chức năng cho người tai biến, bạn băn khoăn không biết nên giúp người thân mắc bệnh luyện tập như thế nào? Hãy để chúng...

Các cách hỗ trợ thở oxy trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Những tai biến khí thở oxy mà bạn nhất định phải nắm rõ

Có một vài biến chứng gây những tai biến khí thở oxy mà chúng ta cần chú ý trong thực hành lâm sàng. Một điều quan trọng là hầu hết...